Truy cập nội dung luôn

 

Phụ nữ Bến Tre thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết ĐHĐBPN tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026 và nhiệm vụ năm 2024

CHI TIẾT TIN

CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM SỬ DỤNG MẠNG XÃ HỘI VỚI THỦ ĐOẠN “BẪY TÌNH” ĐỂ LỪA ĐẢO PHỤ NỮ CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN
09/04/2017

Nâng cao ý thức cảnh giác trong cán bộ, hội viên, phụ nữ và người dân cộng đồng về 
công tác phòng, chống tội phạm sử dụng mạng xã hội với thủ đoạn “bẫy tình” để lừa đảo phụ nữ chiếm đoạt tài sản

Cuộc cách mạng khoa học - công nghệ phát triển nhanh như vũ bão trên phạm vi toàn cầu kéo theo sự bùng nổ của công nghệ thông tin, viễn thông với hệ quả là số lượng người sử dụng internet và các thiết bị viễn thông ngày một gia tăng nhanh chóng.

Đặc biệt, sự xuất hiện của mạng xã hội như Facebook, Twitter, Zing... (trong đó Facebook là phổ biến nhất) mang lại khả năng kết nối và chia sẻ thông tin giữa người sử dụng trên khắp thế giới, bất kể khoảng cách về địa lý. Tại Việt Nam hiện có khoảng 45 triệu tài khoản người dùng Facebook, trong đó có 42,5 triệu tài khoản truy cập từ thiết bị di động và số lượng người dùng Facebook có độ tuổi từ 18 - 34 chiếm 75%. Trung bình mỗi ngày một người dùng Facebook tại Việt Nam dành 1 giờ để truy cập Facebook. Lợi dụng tình hình đó, nhiều đối tượng đã thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của nhiều phụ nữ thông qua mạng xã hội bằng cách lợi dụng tình cảm.

Trước tình hình trên công tác đấu tranh  phòng chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của phụ nữ với thủ đoạn "bẫy tình" qua mạng xã hội cần được quan tâm

1. Một số vụ việc cụ thể

- Tháng 01/2016, chị Vũ Thị Quế, sinh năm 1991, trú tại P. Thanh Bình - TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương có quen biết một đối tượng tên Stanley Matins qua facebook. Ngày 10/01/2016, đối tượng có thông báo với chị Quế là gửi quà tặng, tiền về cho chị Quế theo đường hàng không.

Ngày 11/01/2016, một đối tượng nữ sử dụng 02 số điện thoại di động tự xưng là nhân viên giao hàng của công ty X-Logistic Company thông báo chị Quế có kiện hàng được gửi từ Luân-đôn về và phải nộp thuế 1.200 USD mới lấy được hàng. Đối tượng yêu cầu chị Quế nộp tiền vào một tài khoản tại ngân hàng BIDV. Sau nhiều lần trao đổi đối tượng yêu cầu chị Vũ Thị Quế gửi vào tài khoản của đối tượng tổng số tiền là 264 triệu đồng.

- Tháng 3/2016, chị Phạm Thị Thanh Bình, sinh năm 1975, trú tại phường Xuân Tảo, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội nhận được cuộc điện thoại của một người phụ nữ tên Hương, trước là bạn học ở Nga của chị Bình. Hương yêu cầu chị Bình cung cấp số điện thoại, email để nhờ gửi hàng về Việt Nam cho một người tên Matt Hillary. Sau đó chị Hương kết bạn trên Facebook với Matt Hillary và nói chuyện với người này. Matt Hillary cho biết là sỹ quan trong quân đội Mỹ, hiện đang công tác tại Baghdad, Iraq. Sau một khoảng thời gian nói chuyện, Matt bảo muốn chuyển quà cho chị Bình và được chị Bình đồng ý.

Khoảng 10h30 sáng ngày 21/03/2016, chị Bình nhận được một cuộc điện thoại từ một đối tượng tự xưng là người của công ty Rummy Cole, thông báo có bưu kiện gửi về và yêu cầu chị Bình đến nhận tại sân bay Tân Sơn Nhất. Người này gợi ý sẽ gửi hàng ra Hà Nội nếu chị Bình đóng phí 17 triệu đồng gửi vào tài khoản mang tên Thạch Thị Trang, số tài khoản: 050054472037. 11h30 cùng ngày, chị Bình đã nộp khoản tiền 17 triệu đồng vào tài khoản nêu trên tại chi nhánh ngân hàng Sacombank tại địa chỉ A1-1.A2-2 Lê Đức Thọ, Phường Mỹ Đình, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Đối tượng tiếp tục lấy lý do kiện hàng bị giữ do có số tiền lớn trong tài khoản (2,5 triệu USD), đối tượng tiếp tục yêu cầu chị Bình chuyển thêm tiền để giải quyết với Hải quan... Chị Bình do tin tưởng đối tượng nên đã chuyển thêm 03 lần tiền vào tài khoản của Thạch Thị Trang với số tiền: 520 triệu đồng. Vụ việc đã chuyển cho Phòng PC50 Công an Thành phố Hà Nội để tập hợp, xác minh.

- Tháng 4/2016, chị Lê Thị Thái, sinh năm 1979, trú tại Bích Động, Việt Yên, Bắc Giang và chị Đỗ Thị Mai Loan, sinh năm 1962, trú tại Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội có sử dụng mạng xã hội Facebook và được nick Facebook là: Christ Williams và Chakkinga chủ động vào vào kết bạn với chị Thái, chị Loan. Sau một thời gian làm quen, chiếm được tình cảm, các đối tượng thông báo gửi tiền và quà tặng có giá trị về Việt Nam cho các chị. Tổng số tiền chị Thái đã gửi vào tài khoản ngân hàng Vietcombank, mang tên Đặng Thị Lan, sinh năm 1983, trú tại Châu Thành, tỉnh Tiền Giang với số tiền là: 77,5 triệu đồng. Xác minh tài khoản ngân hàng trên, chỉ trong tháng 12/2015, đã có 07 nạn nhân bị đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức này, với số tiền gần 300 triệu đồng.

Tổng số tiền chị Loan đã gửi cho đối tượng qua tài khoản ngân hàng ACB, mang tên Phan Thị Thơm là 441.675.000 đồng. Qua công tác điều tra xác minh, C50 đã chuyển toàn bộ hồ sơ, tài liệu cho C45B tiếp tục điều tra, xử lý theo thẩm quyền.

Trên thực tế số lượng vụ việc lừa đảo theo hình thức này xảy ra khá nhiều, tuy nhiên do nạn nhân cảm thấy e ngại, xấu hổ về việc mình bị lừa bằng "bẫy tình", sợ mất thanh danh nên không đến cơ quan Công an khai báo.

2. Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng

Thực tiễn đấu tranh với loại tội phạm này cho thấy đa số đối tượng phạm tội là người gốc Phi (chủ yếu tập trung tại TP. HCM) cấu kết với một số đối tượng người Việt Nam đánh vào lòng tham, sự nhẹ dạ cả tin của một bộ phận phụ nữ. Thủ đoạn điển hình của các đối tượng này chủ yếu là người gốc Phi nhập cảnh vào Việt Nam cặp bồ, sống như vợ chồng với phụ nữ Việt Nam và một số vụ do các đối tượng người Việt Nam giả danh người nước ngoài. Chúng lập tài khoản mạng xã hội với hồ sơ (profile) thu hút như: ảnh đại diện với bề ngoài lịch lãm, đẹp trai, ưa nhìn; thường ghi địa chỉ cư trú tại các nước phương Tây như Anh, Pháp... hoặc Mỹ vào Facebook tìm, kết bạn với phụ nữ Việt Nam và giới thiệu là doanh nhân, xuất thân trong gia đình giàu có ở nước ngoài hoặc sỹ quan quân đội... Các đối tượng gây án không chỉ giỏi ăn nói, nắm bắt tâm lý của phụ nữ sống đơn thân mà còn am hiểu về công nghệ thông tin cũng như các lĩnh vực xã hội khác. Sau một thời gian làm quen, vờ yêu đương nảy sinh tình cảm, đối tượng hứa hẹn lấy những người phụ nữ Việt Nam làm vợ và đưa sang nước ngoài sinh sống. Chúng đề nghị tặng quà có giá trị và chuyển số tiền lớn về Việt Nam để xây nhà, cưới nhau hoặc giả thông báo gửi số tiền lớn hàng triệu USD nhờ nhận hộ để đầu tư vào các dự án tại Việt Nam. Tiếp đó các đối tượng thông báo cho nạn nhân đã gửi tiền và quà tặng về, số tiền phí gửi đã thanh toán tại nơi gửi đi (ở nước ngoài), số tiền phí chút ít còn lại đối tượng nhờ nạn nhân nộp và nhận giúp. Khi "con mồi" bị khối tài sản hàng triệu đô la làm hoa mắt và phát sinh lòng tham, đối tượng sẽ nhờ đồng bọn là người Việt Nam gọi điện thoại giả làm nhân viên hải quan của sân bay yêu cầu nạn nhân nộp tiền phí hoặc tiền thuế qua một tài khoản cho sẵn (tại ngân hàng Việt Nam) mà chúng cho trước để làm thủ tục hải quan, phí vận chuyển… Bởi vậy, mỗi bị hại thường đã phải chuyển cho đối tượng lừa đảo 2-3 lần, mỗi lần trung bình hàng trăm triệu đồng. Khi nhận được tiền của "con mồi" chuyển đến tài khoản, ngay lập tức bọn chúng đưa thẻ tín dụng cho những đối tượng khác đi rút tiền tại các cây ATM và chuyển lại cho chúng. Cứ như vậy, cho đến khi nạn nhân không còn khả năng tài chính để theo nộp hoặc nạn nhân nghi ngờ thì đối tượng lừa đảo cắt liên lạc với nạn nhân.

3. Giải pháp thực hiện

Để nâng cao ý thức cảnh giác trong cán bộ, hội viên, phụ nữ và người dân cộng đồng, Ban thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bến Tre yêu cầu Ban thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ các huyện, thành phố Bến Tre và các đơn vị trực thuộc thực hiện một số nội dung cụ thể như sau:

- Tham gia phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp, có trọng tâm trọng điểm cho người dân nói chung và phụ nữ, nữ CNVC-LĐ nói riêng biết, nâng cao tinh thần cảnh giác, tự phòng ngừa với những thủ đoạn lừa đảo qua mạng, tự bảo vệ tài sản, không nhẹ dạ, cả tin vào những lời dụ dỗ hứa sẽ gửi quà của các đối tượng ….

- Khuyến cáo mọi người nhất là chị em phụ nữ không chia sẻ thông tin cá nhân, tâm tư nguyện vọng… lên các mạng xã hội. Cẩn trọng khi kết bạn với người lạ chưa biết rõ thông tin cá nhân, nhất là người nước ngoài.

- Vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ, CNVC-LĐ và người dân khi phát hiện hoặc đã và đang là nạn nhân của thủ đoạn lừa đảo nêu trên thì bí mật báo cho lực lượng Công an nơi gần nhất hoặc Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự kinh tế - chức vụ Công an tỉnh qua số điện thoại 06.3561041 hoặc 075.3822398. Mọi thông tin cá nhân của người cung cấp tin sẽ được đảm bảo tuyệt đối an toàn, bí mật.

Ban CSLP Hội LHPN tỉnh

 

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1

Liên kết Liên kết

QUẢNG CÁO - DOANH NGHIỆP QUẢNG CÁO - DOANH NGHIỆP

Thống kê Thống kê

  Đang truy cập : 2
  Hôm nay: 269
  Tổng lượt truy cập: 393036