Truy cập nội dung luôn

 

Phụ nữ Bến Tre thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết ĐHĐBPN tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026 và nhiệm vụ năm 2024

CHI TIẾT TIN

CHỊ TRẦN THỊ HỒNG CHÂU - PHÁT TRIỂN KINH TẾ NHỜ KIÊN TRÌ VỚI NGHỀ TRỒNG NẤM
03/05/2019

 

Trồng nấm bào ngư tuy không phải là một mô hình quá mới nhưng có khá ít người bám trụ và thành công với nghề này. Vượt qua nhiều khó khăn và dám chấp nhận thất bại, chị Trần Thị Hồng Châu, ấp Bình Khương, xã Châu Bình đã gắn bó với nghề trồng nấm bào ngư gần 10 năm nay. Đến nay, mô hình này đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình chị.

Chị Châu hiện là một giáo viên dạy ở trường tiểu học tại địa phương, gia đình chị vốn làm nghề nông. Kể về lý do tìm đến với cây nấm chị cho biết đó hoàn toàn là một cái duyên bất ngờ, vào năm 2009 chị tình cờ xem một phóng sự trên ti vi về nghề trồng nấm ở huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang, chị bỗng thấy mình có sự yêu thích loài nấm và quyết tâm trồng nấm. Chị tìm đến huyện Gò Công và Sở Khoa học công nghệ Tiền Giang để học hỏi kinh nghiệm và kỹ thuật trồng nấm. Ban đầu chị bắt đầu trồng nấm rơm, sau 2 năm thì thất bại do chưa có kinh nghiệm áp dụng kỹ thuật trên cây nấm. Không nản lòng, chị chuyển sang trồng nấm bào ngư và tiếp tục đi tham quan các mô hình trồng nấm ở Long An để học hỏi thêm kinh nghiệm. Thời gian đầu trồng nấm bào ngư chị gặp không ít khó khăn do nguồn phôi không đảm bảo chất lượng. Thời điểm này chị đã phải bỏ đi rất nhiều phôi nấm không đạt chất lượng, thất thoát không nhỏ nhưng chị quyết tâm bám trụ tới cùng với nghề nấm. Chị tìm tới các công ty ở Đồng Nai, Củ Chi để tìm nguồn phôi tốt hơn, hiện tại chị đang sử dụng phôi nấm lấy một công ty uy tín ở Củ Chi. Sau nhiều lần thất bại và thời gian dài đúc kết kinh nghiệm, công việc trồng nấm của chị Châu đã đi vào ổn định với 2 loại nấm là bào ngư xám và bào ngư trắng.

Chị Hồng Châu đang thu hoạch nấm. Ảnh: CTV      

Chị Hồng Châu chia sẻ: “Năm 2010 thì mình bắt đầu trồng nấm, lúc đầu thì trồng nấm rơm trong nhà được một thời gian thì mình chính thức trồng nấm bào ngư vào năm 2013. Thời gian đầu gặp không ít khó khăn, do mình chưa có kiến thức và kinh nghiệm nhiều về trồng nấm nên chưa đạt hiệu quả. Nhưng do đam mê mình không nản lòng, tiếp tục học hỏi qua bạn bè, báo, đài thì đến nay đã có kinh nghiệm hơn, nắm được quy luật phát triển của nấm nên đạt hiệu quả hơn, từ đó nguồn thu nhập của gia đình dần ổn định. Sắp tới mình sẽ nhập 30 ngàn phôi nấm cho vụ mới và mình sẽ tận dụng phôi nấm bào ngư đã qua sử dụng để làm nấm rơm theo hướng công nghệ cao.”

Đến nay, chị đã xây dựng 3 nhà trồng nấm với tổng diện tích trên 630m2, tổng sức chứa các nhà nuôi nấm khoảng 60.000 phôi nấm. Theo chị Châu, nấm bào ngư không quá khó trồng nhưng lại dễ bị nhiễm bệnh mốc xanh, nấm hồng và bị côn trùng tấn công. Do đó, sau mỗi lần thu hoạch nấm chị tiến hành rải vôi diệt khuẩn, rửa nền và phơi nền để diệt địa y, rong rêu. Để tạo môi trường tốt cần cung cấp đủ nước, độ ẩm nhà nấm và cách bảo quản đúng kỹ thuật. Tại mỗi nhà trồng nấm chị đầu tư 3 loại máy tưới gồm phun sương, phun tay và tạo mưa. Những máy này liên kết với máy phát điện để đảm bảo cấp nước liên tục ngay cả khi mất điện. Bên cạnh đó, chị kết hợp che màn vải để giữ được độ ẩm cần thiết. Ngoài ra, chị cũng đầu tư thêm hệ thống 10 hồ trữ nước ngọt để sử dụng trong mùa nước mặn.

Chị Châu cho biết, mỗi phôi sau khi treo 2 tháng thì nấm bắt đầu mọc, trung bình mỗi tháng chị thu hoạch 2 lần. Mỗi đợt phôi sử dụng được khoảng 8 tháng. Hiện tại chị đang trồng khoảng 30.000 phôi nấm. Ước tính với 30.000 phôi nấm này có thể cho thu hoạch trên 5,2 tấn nấm. Mỗi tháng trừ đi các chị phí chị lãi khoảng 10 triệu đồng.Nấm bào ngư là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, dễ sử dụng để chế biến thực phẩm nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Với chất lượng đảm bảo cùng giá thành hợp lý, khoảng 35 nghìn đồng/ kg, nhiều bạn hàng trong và ngoài huyện tin tưởng lấy nấm của chị nhiều năm nay.

Chị Ngô Thị Đà - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Châu Bình cho biết: “Mô hình làm nấm của hộ chị Nguyễn Thị Hồng Châu - hội viên phụ nữ xã Châu Bình hiện tại đạt hiệu quả kinh tế rất cao, thu nhập gia đình ổn định. Hướng tới thì hội cố gắng tìm các nguồn vốn hỗ trợ thêm cho gia đình chị để đầu tư thêm phát triển mô hình để góp phần phát triển kinh tế cho hộ gia đình. Đồng thời Hội cũng sẽ nhân rộng mô hình này để giúp cho chị em phụ nữ trên địa bàn có những mô hình làm ăn kinh tế hiệu quả, góp phần giảm nghèo trên địa bàn xã.”

Với ý chí lao động sản xuất vươn lên làm giàu chính đáng, không nản lòng trước khó khăn, mô hình trồng nấm bào ngư của chị Châu đang thực sự phát huy hiệu quả kinh tế, là một điển hình cần được nhân rộng, tạo sự lan tỏa góp phần cùng địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững./.

Kim Phụng

 

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1

Liên kết Liên kết

QUẢNG CÁO - DOANH NGHIỆP QUẢNG CÁO - DOANH NGHIỆP

Thống kê Thống kê

  Đang truy cập : 2
  Hôm nay: 283
  Tổng lượt truy cập: 376332