Truy cập nội dung luôn

 

Phụ nữ Bến Tre thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết ĐHĐBPN tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026 và nhiệm vụ năm 2024

CHI TIẾT TIN

Nâng cao cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo liên quan đến hoạt động cho vay “tín dụng đen”
07/12/2022

Hiện nay, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động cho vay “tín dụng đen” và các hình thức biến tướng của việc cho vay có chiều hướng gia tăng, với tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng. Các đối tượng thực hiện hành vi bằng nhiều hình thức, thủ tục nhanh chóng, không cần thế chấp, chỉ cần một trong các loại giấy tờ như: Giấy chứng minh nhân dân, Sổ hộ khẩu, Giấy phép lái xe, Hóa đơn tiền điện... hoặc vay tiền online qua các ứng dụng trên mạng Internet với thủ đoạn phổ biến như sau:

Đầu tiên, các đối tượng lừa đảo mạo danh là nhân viên của ngân hàng, công ty tài chính uy tín gọi điện cho người dân, đăng trên mạng xã hội (Facebook, Zalo…) quảng cáo dịch vụ cho vay tiền online với ưu đãi hấp dẫn như: lãi suất thấp, thủ tục đơn giản không cần thẩm định, giải ngân nhanh trong vòng 02 giờ, hỗ trợ nợ xấu, không gọi người thân xác minh thông tin khi làm hồ sơ… để thu hút người dân.

Sau khi có người đồng ý vay tiền, các đối tượng hướng dẫn người có nhu cầu vay đăng nhập website do các đối tượng gửi đến, đây là các website do các đối tượng tạo lập, giả mạo thương hiệu với logo, hình ảnh của ngân hàng, công ty tài chính uy tín; các đối tượng dẫn dụ người vay tải app hoặc đăng ký thông tin tài khoản, đăng ký khoản vay tại website giả mạo.

Để khách hàng tin tưởng, các đối tượng gửi hình ảnh Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân, thẻ nhân viên (đối tượng mua lại của người khác, thẻ giả…), thông báo phê duyệt khoản vay cho khách hàng (đối tượng làm giả giấy tờ của ngân hàng, công ty tài chính); yêu cầu người vay đóng tiền tạm ứng từ 5% đến 10% giá trị khoản vay với nhiều lý do khác nhau như: phí bảo hiểm, xác thực thông tin…và giải thích số tiền tạm ứng sẽ được hoàn trả cùng với khoản vay khi giải ngân (thực chất đây là số tiền mà đối tượng muốn chiếm đoạt của bị hại).

Sau khi người vay chuyển tiền, đối tượng đưa ra nhiều lý do khác nhau để yêu cầu người vay tiếp tục chuyển tiền, như: thông tin tài khoản sai không giải ngân được, nộp tiền xử lý sự cố sai thông tin tài khoản, giả danh cán bộ Nhà nước đe dọa người vay đã chuyển tiền đến tài khoản liên quan tội phạm yêu cầu nộp tiền để xác minh tài khoản… nếu không thực hiện sẽ mất số tiền đã nộp trước đó.

Do lo sợ mất số tiền đã nộp trước đó, nên nhiều người với tâm lý “phóng lao phải theo lao", nộp tiền nhiều hơn và bị đối tượng chiếm đoạt.

Để không trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo đề nghị người dân cần thận trọng với các hình thức cho vay “tín dụng đen” qua các website, ứng dụng không rõ nguồn gốc, nhất là yêu cầu chuyển tiền để chứng minh tài chính hay bất kỳ yêu cầu chuyển tiền nào khác, các ngân hàng, công ty tài chính cho vay uy tín thường không yêu cầu nộp tiền ứng trước khi cho vay. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản, mã OTP cho người lạ; khi có nhu cầu vay tiền, người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin, dịch vụ mà ngân hàng, công ty tài chính cung cấp trên các kênh chính thống. Khi phát hiện hoặc nghi ngờ các trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất.

Khi bị các đối tượng gọi điện đe doạ, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự nhân phẩm do liên quan đến vay "tín dụng đen" hoặc thậm chí không liên quan các khoản vay này, người dân cần:

1. Bình tĩnh xử lý, giải thích ngắn gọn về việc không quen biết người vay hoặc không có trách nhiệm với khoản nợ mà các đối tượng đề cập nếu không có liên quan. Đồng thời, hỏi rõ thông tin đơn vị đòi nợ, nhắc nợ và yêu cầu cung cấp các chứng từ, hợp đồng, thông tin về việc vay nợ của mình hoặc người thân, bạn bè (nên ghi âm cuộc gọi, lưu tin nhắn để làm bằng chứng).

2. Sử dụng tính năng có sẵn trên điện thoại để chặn các cuộc gọi, tin nhắn làm phiền của các đối tượng đòi nợ. Đối với các trang Facebook cá nhân có thể khóa các bình luận của người lạ.

3. Nếu tình trạng bị làm phiền kéo dài, thậm chí đến mức bị “khủng bố” điện thoại, người dân có thể trình báo đến cơ quan Công an nơi gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời.

4. Tuyệt đối không cung cấp các thông tin của bản thân cho các đối tượng gọi điện đòi nợ như: Thông tin về giấy tờ tuỳ thân, quan hệ gia đình, đồng nghiệp, bạn bè, nơi làm việc, sinh sống…

Để vừa đảm bảo nhu cầu vay tiền, vừa bảo vệ người thân, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, người dân khi có nhu cầu vay tiền nên tìm hiểu, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín, thể hiện đầy đủ các thông tin trên website như: tên công ty, mã số doanh nghiệp, địa chỉ, các chính sách cụ thể về lãi suất vay với các hình thức phù hợp; thông báo, hướng dẫn cách xử lý cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp của mình khi bị các đối tượng đòi nợ gọi điện, nhắn tin làm phiền với nội dung như trên.

Đồng thời, để bảo vệ người và tài sản đề nghị các cơ quan, đơn vị, cần thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở cán bộ, hội viên, phụ nữ và người dân không vay qua app không rõ nguồn gốc, không nhân danh đơn vị hoặc cung cấp số điện thoại của cơ quan, đồng nghiệp, người thân, bạn bè để vay tiền tránh gặp những trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Ban Tuyên Giáo Hội LHPN tỉnh

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1

Liên kết Liên kết

QUẢNG CÁO - DOANH NGHIỆP QUẢNG CÁO - DOANH NGHIỆP

Thống kê Thống kê

  Đang truy cập : 6
  Hôm nay: 11338
  Tổng lượt truy cập: 650533