|
CHI TIẾT TIN
Những ngày giáp Tết, trời se lạnh chợt nhớ thời xa xưa, lúc còn nhỏ ở quê, nhà nhà làm bánh phồng ăn Tết.
Khoảng 4-5 giờ sáng là đã nghe tiếng chày mấy nhà ở trong xóm quết bánh phồng vang lên rồi. Với tâm trạng háo hức, tôi cũng dậy sớm để nhìn Bà Nội và Má chuẩn bị quết bánh. Nếp thì ở nhà cấy, dừa nhà có, mía đường cũng ở nhà trồng, chỉ bỏ công làm là có những chiếc bánh phồng thơm ngon.
Má thức dậy lúc nào không biết, đến khi tôi thức thì má xôi xong nồi nếp, đem ra đổ vào cái cối làm bằng gỗ, má bắt đầu lấy khăn trùm đầu, chừa 2 con mắt, lấy bộ đồ cũ đi ruộng mặc vô. Tay cầm cái chày cũng bằng gỗ chuẩn bị công đoạn quết. Bà nội thì cũng quấn khăn trên đầu, bê lại gần cái cối một thau đựng nước cốt dừa, một thau đựng nước đường đã nấu kẹo (tôi cũng không biết là công thức như thế nào). Xôi nếp nóng hổi, hơi bốc lên nghi ngút, má tôi nện cái chày xuống cối xôi, bà thì dùng cái đũa bếp to trở qua trở lại xôi, tha nước cốt dừa xuống lồng cối cho nếp không bị dính, động tác của Má bổ chày và động tác trở xôi của Bà phải rất nhịp nhàng chuẩn xác. Quết một hồi khi nếp đã nhuyễn như bột, bà bắt đầu cho nước đường nước cốt dừa vào để quết cho đều, lúc này bà phải dùng tay để vùa (trở) bột nếp trong cối cho đều hơn.
Tiếng chày quết nghe “phình phịt, phình phịt” mà phải quết mạnh, quết nhanh, kẻo nếp nguội sẽ làm khó hơn. Lúc này nước cốt, nước đường cũng bắt đầu bắn lên đầu cổ, quần áo người làm, bởi vậy cho nên chuẩn bị quết bánh phồng Má và Bà phải trùm khăn, mặc đồ cũ, nếu mặc đồ mới sẽ tiêu hết.
Khi xôi nếp đã được quết thành bột, đến công đoạn cán bánh, bà ngồi bắt bột cho Má và anh trai tôi cán, tôi thì đi phơi bánh. Có hôm thì mấy đứa con nít qua chơi phụ phơi bánh. Cục bột tròn như viên chè để trên miếng ni-lon trong, dày, xong để lên một miếng ni-lon nữa bắt đầu cán, (ngày trước nữa thì dùng lá chuối để cán bánh). Cây cán làm bằng lõi chuối, sau này tiến bộ hơn, người ta mua cái ống nhựa tròn giống như ống nước làm đồ cán bánh. Bánh cán xong được phơi lên chiếc chiếu lát mới mua, để trên bộ ván. Khi đầy chiếu, má và anh tôi khiêng ra đóng củi dừa để phơi, phơi đến khi khô mềm thì gỡ bánh lên trở qua phơi tiếp để khi bánh khô cứng là được.
Việc quết bánh phồng vất vả, nhưng thời đó ai làm được việc này là rất vui, tâm trạng phấn khởi, háo hức. Tết đến rồi!
Sáng dậy, tiết trời lạnh lạnh, má ra đồng ôm một bó rơm đốt lên để nướng bánh, cái cặp nướng bánh được làm bằng sóng lá dừa, chẻ ra làm ba để cặp bánh. Trên ngọn lửa rơm đỏ rực, thơm thơm mùi rạ mới, cái bánh phồng từ cứng thành mềm nhũng ra, rồi bắt đầu nở. Tay phải nhanh, trở qua trở lại lia lịa cho bánh chín đều, bánh phồng nếp nở trong lửa nghe rào rào theo từng nhịp trở bánh. Bánh nở phồng to gấp hai, ba lần cái bánh chưa nướng, ăn giòn, xốp như vậy là thành công rồi đấy.
À mà trước khi nướng phải lấy tay xé bìa bánh, để khi nướng bánh nó nở bung ra, không co dúm lại, cái bánh mình nướng chín ăn xốp giòn mà không bị dai. Bánh phồng nếp, nướng lửa rơm ăn là ghiền.
Bây giờ bánh phồng có bán nhiều, quanh năm không phải đợi tết mới có, người ta làm bằng công nghệ máy móc, hương vị vẫn thế, có khi ngon hơn vì thêm sữa, nhưng sao vẫn nhớ cái hương vị ngọt ngào của chiếc bánh phồng làm thủ công ở quê hương ngày xưa.
Tết về lại nhớ ngày xưa
Tiếng chày quết bánh sớm trưa quê mình!
Thúy Kiều
VIDEO
HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG
Liên kết
Thống kê
  Đang truy cập : 2
  Hôm nay: 150
  Tổng lượt truy cập: 1188772