Truy cập nội dung luôn

 

Phụ nữ Bến Tre thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết ĐHĐBPN tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026 và nhiệm vụ năm 2024

CHI TIẾT TIN

Tài liệu tuyên truyền thực trạng và giải pháp xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh
04/08/2023

Thực trạng và giải pháp xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh Bến Tre

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, kéo theo là tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng diễn biến phức tạp, lượng rác thải sinh hoạt ngày càng tăng trong khi tốc độ phát triển hạ tầng thu gom, xử lý chưa đáp ứng kịp nhu cầu. Để nâng cao hiệu quả công tác thu gom, xử lý rác thải, góp phần bảo vệ môi trường, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đặt ra các chỉ tiêu đến năm 2025, tỷ lệ thu gom rác thải đô thị đạt 95%, khu vực nông thôn đạt 80% và tỷ lệ phân loại rác thải tại nguồn đạt 70%. Trên cơ sở đó, ngành chức năng đã tham mưu Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh cụ thể hoá Nghị quyết bằng các kế hoạch, quy định, giải pháp về bảo vệ môi trường, xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, đã ban hành Kế hoạch dự toán ngân sách nhà nước 03 năm 2022 - 2024 tỉnh Bến Tre (Kế hoạch số 5713/KH-UBND ngày 22/9/2021; Đề án Bến Tre xanh (Quyết định số 811/QĐ-UBND ngày 13/4/2021); Kế hoạch số 8708/KH-UBND ngày 30/12/2021 về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021 - 2025; Sổ tay hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh Bến Tre (Quyết định số 2598/QĐ-UBND ngày 08/11/2021); Kế hoạch hành động giảm rác thải nhựa giai đoạn 2022 - 2025 tỉnh Bến Tre (Quyết định số 991/QĐ-UBND ngày 12/5/2022); Kế hoạch số 2850/KH-UBND ngày 16/5/2022 về cải thiện bảo vệ môi trường và thực hiện đánh giá kết quả theo Bộ chỉ số môi trường, báo cáo công tác bảo vệ môi trường theo định kỳ; Kế hoạch số 6396/KH-UBND ngày 07/10/2022 của UBND tỉnh về việc phòng ngừa, giám sát, kiểm soát các cơ sở nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

I. TÌNH HÌNH THU GOM, VẬN CHUYỂN, XỬ LÝ RÁC THẢI

Theo số liệu Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), năm 2022, tổng khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh là 1.011,6 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom, xử lý tại các bãi chôn lấp và nhà máy xử lý rác thải tập trung (còn gọi là cơ sở xử lý rác thải tập trung) là 419,5 tấn/ngày. Lượng rác thải phát sinh tại đô thị là 300 tấn/ngày, được thu gom, xử lý tại cơ sở xử lý rác thải tập trung là 281 tấn/ngày, chiếm tỷ lệ 93,7% (NQ đến năm 2025 là 95%); lượng rác thải phát sinh tại nông thôn là 711,6 tấn/ngày, được thu gom và xử lý là 458,3 tấn/ngày, chiếm tỷ lệ 64,4% - theo Nghị quyết đến năm 2025 là 80% (bao gồm thu gom, xử lý tại cơ sở xử lý rác thải tập trung và tự thu gom, xử lý tại hộ gia đình đạt các yêu cầu về bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới). Tỷ lệ phân loại rác thải tại nguồn ước khoảng 15% (NQ đến năm 2025 là 70%).

Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre - Công ty cổ phần xử lý rác thải Bến Tre   triển khai không đảm bảo tiến độ

Dự án Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre do Công ty cổ phần xử lý rác thải Bến Tre làm chủ đầu tư, khởi công xây dựng từ năm 2016 và đưa vào sử dụng tiếp nhận xử lý rác thải vào tháng 6/2018. Nhà máy gồm các hạng mục: Nhà bảo vệ, trạm cân, nhà xưởng, dây chuyền phân loại rác thải bán tự động, khu vực ủ phân compost có thể tích 60 m3, lò đốt rác có công suất 120 tấn/ngày đêm, hệ thống xử lý khói thải từ lò đốt, hệ thống nước thải công suất 50 m3/ngày đêm và các hạng mục phụ trợ khác. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre vẫn còn nhiều hạng mục thực hiện dang dở, chưa hoàn thiện như hợp đồng, rác thải tập kết về chưa được xử lý triệt để (chỉ xử lý khoảng 45 - 55%), còn tồn đọng lượng lớn tại Nhà máy, gây ô nhiễm môi trường, bức xúc trong Nhân dân trong khu vực.

Nhằm giải quyết dứt điểm các vướng mắc, tồn đọng của Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp thành lập Tổ công tác thường xuyên theo dõi, giám sát về năng lực xử lý rác thải, lập lộ trình yêu cầu Nhà đầu tư phải cam kết với UBND tỉnh về việc đầu tư, nâng cấp các hạng mục công trình theo báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được phê duyệt để sớm đưa Nhà máy đi vào hoạt động ổn định (thời gian cam kết đến hết ngày 31/7/2022). Tuy nhiên, đến hết thời gian cam kết, hoạt động Nhà máy vẫn chưa chuyển biến, lò đốt rác hoạt động cầm chừng, lượng rác tồn đọng tại Nhà máy ngày càng nhiều (khoảng 98.000 tấn), chưa đầu tư mới lò đốt rác thứ 2, chưa nâng cấp, cải tạo hệ thống xử lý nước thải, khí thải và các công trình bảo vệ môi trường khác.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TN&MT thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với Công ty Cổ phần xử lý rác thải Bến Tre. Sau khi xem xét kết quả thanh tra của Sở TN&MT, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 2226/QĐ-XPHC, ngày 29/9/2022 xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường đối với Công ty cổ phần xử lý rác thải Bến Tre số tiền 510 triệu đồng và xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động Nhà máy trong thời hạn 7,5 tháng để khắc phục các vi phạm, giải quyết ô nhiễm (có hiệu lực thi hành ngày 20/10/2022). Đồng thời, giao Sở TN&MT tiếp tục theo dõi việc khắc phục các nội dung vi phạm theo Quyết định xử phạt. Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay Công ty Cổ phần xử lý rác thải Bến Tre vẫn chưa khắc phục triệt để các vi phạm, ô nhiễm môi trường tại Nhà máy xử lý rác Bến Tre.

Tình hình ô nhiễm môi trường bãi rác An Hiệp, huyện Ba Tri

Sau khi Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre bị đình chỉ hoạt động, để khắc phục các vi phạm về môi trường, UBND tỉnh quyết định tạm chuyển rác từ thành phố Bến Tre và huyện Châu Thành về bãi rác An Hiệp (xã An Hiệp, huyện Ba Tri). Trong thời gian tiếp tục mời gọi đầu tư nhà máy xử lý rác của tỉnh, bãi rác có diện tích 4,8ha, tiếp nhận khối lượng rác từ 210 đến 220 tấn/ngày. Để bảm bảo môi trường, Sở TN&MT phối hợp với huyện triển khai thực hiện các hạng mục như: Xây tường rào, phủ bạt các ô đã chôn lấp, gia cố chống thấm, gom nước rỉ rác, ao chứa nước rỉ rác,... và dự kiến mở rộng thêm diện tích (03ha). Tuy nhiên, việc thực hiện chưa kịp thời, bên cạnh đó, diễn biến thời tiết phức tạp đầu năm 2023 (mưa nhiều) nên dẫn đến tình trạng nước rỉ rác lẫn với nước mưa chảy tràn xung quanh, mùi hôi đã phát tán ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 132 hộ dân nằm trong phạm vi bán kính 1.000m thuộc địa phận 2 xã An Hiệp và An Đức.

Qua công tác nắm tình hình, dư luận của người dân quanh khu vực bãi rác An Hiệp, ngày 01/7/2023, lãnh đạo UBND tỉnh cùng lãnh đạo Sở TN&MT, UBND huyện Ba Tri, một số ngành liên quan khảo sát toàn bộ ãi rác An Hiệp, qua đó chỉ đạo áp dụng một số biện pháp khẩn trương khắc phục ô nhiễm môi trường, xem xét giải quyết các kiến nghị của người dân. Tuy nhiên, việc triển khai khắc phục ô nhiễm chậm (do phải thực hiện theo quy trình: Xây dựng dự án, kế hoạch, phân bổ kinh phí, duyệt kinh phí, đấu thầu, triển khai vì chưa thể xem đây là tình huống khẩn cấp phải sử dụng kinh phí chỉ định thầu thực hiện) gây ô nhiễm môi trường, tạo sự bức xúc cho người dân. Cụ thể, vào lúc 14 giờ ngày 15/7/2023, khoảng 70 người dân (đa phần là người dân quanh khu vực bãi rác An Hiệp) đã tập trung tại ngã ba đường dẫn vào bãi rác An Hiệp (ấp 9, xã An Đức) ngăn chặn không cho xe rác của tỉnh, huyện vận chuyển rác vào bãi rác, gây tình trạng ùn ứ xe rác. Lãnh đạo UBND huyện Ba Tri, UBND xã An Đức và An Hiệp trao đổi với người dân; người dân yêu cầu các cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm, không để rác từ thành phố Bến Tre, huyện Châu Thành tiếp tục vận chuyển về bãi rác An Hiệp, muốn được lãnh đạo tỉnh tổ chức đối thoại.

Ngày 17/7/2023, lãnh đạo UBND tỉnh, Sở TN&MT, UBND huyện Ba Tri, cùng với lãnh đạo 02 xã (An Đức, An Hiệp) tổ chức cuộc đối thoại với hơn 80 người dân tham dự. Tại buổi đối thoại, lãnh đạo tỉnh đã cam kết trong vòng 30 ngày sẽ thực hiện các giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường tại bãi rác An Hiệp. Sau đối thoại, Sở TN&MT cùng với UBND huyện Ba Tri đã tập trung thực hiện một số biện pháp khẩn cấp khắc phục ô nhiễm tại bãi rác An Hiệp. Đến nay, đã trám xong các vị trí tường bị hỏng nước rỉ ra ngoài; lắp xong lưới chắn rác (tiếp giáp hộ nuôi tôm); bơm nước trong bãi rác chuyển vào các ao chứa, nước trong bãi rác rút cạn nhiều hơn và giảm được mùi hôi, không còn nước rỉ rác thoát ra bên ngoài; đang gom vén, san ủi rác đạt về độ cao phủ bạt được khoảng hơn 9.000m2 (với diện tích cần phủ bạt khoảng 1,4ha); các hạng mục đào ao chứa rác vẫn tiếp tục khẩn trương thực hiện; tiến độ chậm nhất đến ngày 17/8/2023 (khoảng hơn 04 tuần) hoàn thành cơ bản việc khắc phục ô nhiễm môi trường.

Song song đó, để giải quyết lượng rác tồn đọng trên địa bàn Thành phố Bến Tre, huyện Châu Thành, UBND tỉnh ban hành Công văn số 4340a/UBND-TCĐT ngày 19/7/2023 về thu gom, vận chuyển, lưu chứa rác tạm thời về Nhà máy xử lý rác Bến Tre để giải quyết lượng rác thải tồn đọng trên địa bàn thành phố Bến Tre và huyện Châu Thành trong thời gian tạm ngưng chuyển rác về bãi rác An Hiệp huyện Ba Tri.

Ngày 20/7/2023, UBND tỉnh phối hợp Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị thông tin tình hình và giải pháp xử lý tại bãi rác An Hiệp (xã An Hiệp, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre).

Ngày 21/7/2023, một số người dân xung quanh Nhà máy xử lý rác Bến Tre trên địa bàn xã Hữu Định, huyện Châu Thành ngăn cản xe rác vận chuyển rác vào Nhà máy, với lý do rác phát tán mùi hôi, Nhà máy đã đóng cửa thì không được chuyển rác vào (cơ quan nhà nước có cho phép không?). Đại diện lãnh đạo Sở TN&MT, UBND huyện Châu Thành và xã Hữu Định tiếp xúc đối thoại và cam kết với người dân: Vận chuyển lưu chứa rác tạm thời tại Nhà máy xử lý rác Bến Tre không quá 01 tháng (đến ngày 19/8/2023), chỉ đổ rác trong nhà xưởng của Nhà máy, phun xịt xử lý mùi, thu gom nước rỉ rác không để thoát ra bên ngoài; qua đó người dân đồng ý, tạm thời tình hình ổn định.

Ngày 24/7/2023, Thường trực Tỉnh uỷ chủ trì cuộc họp nghe Ban cán sự đảng UBND tỉnh báo cáo tình hình quản lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bến Tre và huyện Ba Tri, Thường trực Tỉnh ủy giao cho từng cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương tổ chức thực hiện các giải pháp trước mắt khắc phục ô nhiễm môi trường tại bãi rác An Hiệp.

II. GIẢI PHÁP XỬ LÝ RÁC CHUNG CỦA TỈNH, CÁC ĐIỂM NÓNG TẠI CÁC HUYỆN, THÀNH PHỐ TRƯỚC MẮT VÀ LÂU DÀI

Giải quyết sự cố ô nhiễm môi trường bãi rác An Hiệp (Ba Tri) và thu gom, xử lý rác tạm thời

Ngày 23/7/2023, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 4408/UBND-TCĐT, về việc công bố tình huống khẩn cấp tình hình sự cố môi trường nghiêm trọng bãi rác An Hiệp huyện Ba Tri, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, việc người dân không cho xe chở rác vào bãi rác làm rác tồn đọng nhiều nơi, tác động đến trật tự xã hội trên phạm vi rộng (ngoài phạm vi, khả năng giải quyết của huyện Ba Tri) để tiếp tục thực hiện các công việc khẩn cấp khắc phục ô nhiễm môi trường tại bãi rác An Hiệp, hoàn thành trước ngày 17 tháng 8 năm 2023 như: Phủ bạt với diện tích 1,4ha các ao lấp đầy rác đạt về độ cao (chỉ định thầu, với dự toán kinh phí khoảng 1,6 tỷ đồng, kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường năm 2023 đã phân bổ cho Sở TN&MT thực hiện), gia cố chống nước rỉ rác thoát ra bên ngoài (không để nước rỉ rác thoát ra bên ngoài khi chưa xử lý đạt theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường), nâng cao tường chắn rác bay; tiếp tục khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xây dựng các hạng mục công trình nâng cấp, cải tạo bãi rác (ao chứa rác, hệ thống gom nước rỉ rác, ao đủ lưu chứa nước,…) và dự án mở rộng (03ha) để tiếp nhận rác, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; xem xét đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải rỉ rác (công suất 30m3/ngày đêm, kinh phí khoảng hơn 3,5 tỷ đồng), lò đốt rác thải công suất 48 tấn/ngày (kinh phí khoảng 9 tỷ đồng) nhằm giảm lượng rác chôn lấp để tiếp nhận rác của tỉnh khoảng 02 - 03 năm chờ hoàn thành tái cơ cấu Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre, sau đó lò đốt rác, hệ thống xử lý nước thải này tiếp tục vận hành xử lý nước thải do bãi rác vẫn tiếp nhận xử lý rác thải của huyện.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương (huyện, xã) tiếp tục phối hợp với UBMTTQ Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội các cấp tập trung tuyên truyền, vận động Nhân dân khu vực lân cận bãi rác An Hiệp cùng chia sẻ khó khăn của tỉnh, tiếp tục ủng hộ phương án tiếp nhận, xử lý rác thải của tỉnh trong thời gian chờ thực hiện phương án tái cơ cấu đầu tư Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre, trực tiếp đến từng hộ gia đình, vận động từng người để không tham gia ngăn cản xe chở rác. Đồng thời, theo dõi, quản lý, làm việc với từng cá nhân ngăn cản xe vận chuyển rác thải đi vào bãi rác, có biện pháp ngăn chặn không để người dân vi phạm pháp luật.

Cùng với đó, Sở TN&MT phối hợp với địa phương thực hiện tốt việc kiểm soát môi trường đối với rác thải huyện Châu Thành và thành phố Bến Tre đang lưu chứa rác tạm thời tại Nhà máy xử lý rác Bến Tre (khả năng tiếp nhận khoảng hơn 2.000 tấn rác): Thường xuyên phun xịt xử lý mùi, thu gom nước rỉ rác không để thoát ra bên ngoài, gây ô nhiễm môi trường.

Giải pháp quản lý rác thải của tỉnh trong thời gian tới

Một là, quy hoạch khu xử lý rác thải, hoàn thiện quy hoạch tỉnh Bến Tre giai đoạn đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050, trong đó quy hoạch xử lý rác thải, tỉnh có 03 khu xử lý rác thải tập trung: Khu xử lý rác thải cho khu vực đô thị phía trên (xử lý rác thải của huyện Chợ Lách, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Châu Thành, Giồng Trôm và Thành phố Bến Tre) gồm 02 khu: Khu 23,2ha tại xã Hữu Định, huyện Châu Thành mở rộng trên nền Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre cũ và khu 20ha tại xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày Nam. Hai (02) khu này được lựa chọn trước mắt mở rộng thêm 02ha đầu tư tái cơ cấu Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre (xã Hữu Định); khu còn lại (20ha tại xã An Thạnh) để dự phòng rác thải cho tỉnh, đưa vào quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, đến giai đoạn 2025 hoặc sau 2025 đề xuất giải phóng mặt bằng khoảng 10ha để làm phương án dự phòng rác thải của tỉnh (trong trường hợp Nhà máy xử lý rác của tỉnh ngưng hoạt động sửa chữa hoặc gặp sự cố trong hoạt động không thể tiếp nhận rác thải của tỉnh), đồng thời tạo mặt bằng sạch mời gọi đầu tư xử lý rác thải công nghiệp, nguy hại và khu chứa bùn thải (đổ thải bùn thải từ nạo vét cống rảnh đô thị, bùn từ hệ thống xử lý nước thải). Và Khu liên hợp xử lý rác thải cho khu vực kinh tế ven biển 20 ha (định hướng cho phát triển hướng Đông của tỉnh sau năm 2030, định hướng đến năm 2050) được mở rộng trên nền bãi rác An Hiệp (Ba Tri).

Hai là, khẩn trương thực hiện có hiệu quả phương án tái cơ cấu, đầu tư Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre: UBND tỉnh ban hành Công văn số 4373/UBND-TCĐT ngày 21/7/2023 về việc thống nhất thực hiện phương án tái cơ cấu, đầu tư Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre, chuyển nhượng cổ phần của Công ty cổ phần xử lý rác thải Bến Tre cho các cổ đông của Công ty Cổ phần Tập đoàn AMACCAO, nhằm tái cơ cấu Nhà máy xử lý rác thải, thời gian hoàn thành đầu năm 2026 đi vào hoạt động trở lại với công suất 650 tấn/ngày (công nghệ đốt điện), vốn đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng, tiếp nhận và xử lý rác thải trên địa bàn: Thành phố Bến Tre, Châu Thành, Giồng Trôm, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Chợ Lách.

Ba là, giải quyết rác tạm thời tại các huyện Chợ Lách, Mỏ Cày Nam, Giồng Trôm trong thời gian chờ hoàn thành tái cơ cấu Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre: Tiếp tục phân loại rác thu phế liệu để giảm rác phải chôn lấp, thực hiện chôn lấp, thường xuyên phun xịt xử lý mùi, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.

Bốn là, giải quyết rác thải tại huyện Bình Đại: UBND huyện Bình Đại nâng cấp, cải tạo bãi rác thị trấn Bình Đại, xử lý ô nhiễm để tiếp tục tiếp nhận xử lý rác của huyện trong thời gian chờ hoàn thành đầu tư Nhà máy xử lý rác huyện Bình Đại tại xã Đại Hoà Lộc (nhà đầu tư Công ty TNHH Phong Thạnh Phát); đẩy nhanh tiến độ đầu tư Nhà máy, thực hiện đóng cửa bãi rác thị trấn Bình Đại, giải quyết ô nhiễm khi Nhà máy được đầu tư hoàn thành đi vào hoạt động.

Năm là, giải quyết rác thải ở huyện Thạnh Phú: UBND huyện Thạnh Phú tiếp tục tăng cường công tác vận động Nhân dân đăng ký thu gom rác; tiếp tục giám sát doanh nghiệp đầu tư, hoàn chỉnh các hạng mục của Nhà máy xử lý rác huyện Thạnh Phú theo cam kết; thực hiện tốt các giải pháp bảo vệ môi trường.

Đồng thời, UBND tỉnh tiếp tục hoàn thiện hệ thống các quy định, chính sách về quản lý rác thải phù hợp với tình hình phát triển của tỉnh, với các quy định pháp luật hiện hành như xây dựng và ban hành các quy định: Tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư xử lý rác thải, tiêu chí lựa chọn đơn vị thu gom, vận chuyển rác thải, cập nhật Sổ tay hướng dẫn phân loại rác thải tại nguồn, xây dựng Sổ tay hướng dẫn quản lý rác thải và quy định ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh (trong đó có quản lý rác thải); tiếp tục tăng cường tuyên truyền về bảo vệ môi trường, quản lý rác thải sâu rộng đến Nhân dân, xác định bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn dân, toàn xã hội để thúc đẩy được tính tự giác; lựa chọn đơn vị xử lý rác đáp ứng về công nghệ, đơn vị thu gom, vận chuyển rác (hình thức đấu thầu) đáp ứng điều kiện vận chuyển, đáp ứng thực hiện phân loại rác thải tại nguồn; tiến đến phân loại rác thải tại nguồn sau năm 2024 theo quy định Luật Bảo vệ môi trường 2020, mở rộng mạng lưới, phạm vi thu gom rác; từng bước đưa công tác quản lý rác thải vào đúng khuôn khổ quy định pháp luật.

Sáu là, trân trọng đề nghị các cơ quan thông tấn báo chí quan tâm phối hợp định hướng tuyên truyền để người dân nhất là người dân ở bãi rác An Hiệp (xã An Đức, huyện Ba Tri), bãi rác Hữu Định (xã Hữu Định, huyện Châu Thành), thành phố Bến Tre cùng chia sẽ với những khó khăn của tỉnh, tiếp tục ủng hộ phương án tiếp nhận, xử lý rác thải của tỉnh trong thời gian chờ thực hiện phương án tái cơ cấu và đầu tư nhà máy xử lý rác thải Bến Tre./.

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY - SỞ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1

Liên kết Liên kết

QUẢNG CÁO - DOANH NGHIỆP QUẢNG CÁO - DOANH NGHIỆP

Thống kê Thống kê

  Đang truy cập : 2
  Hôm nay: 68
  Tổng lượt truy cập: 394563