Truy cập nội dung luôn

 

Phụ nữ Bến Tre thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết ĐHĐBPN tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026 và nhiệm vụ năm 2024

CHI TIẾT TIN

TẤM GƯƠNG VƯỢT KHÓ THOÁT NGHÈO TẠI XÃ CHÂU HÒA
30/05/2019

 

Với tinh thần chí thú làm ăn và tính siêng năng cần cù lao động, nhiều hộ nghèo quyết tâm vượt qua nghèo khó không chỉ bởi mong muốn gia đình, con cái có một cuộc sống tốt đẹp hơn mà họ còn ý thức vươn lên vì không muốn trở thành gánh nặng cho xã hội, góp phần xây dựng địa phương phát triển giàu đẹp. Gia đình chị Nguyễn Thị Kim Liên, ấp Phú Tân, xã Châu Hòa là một điển hình như thế.

Là hộ nghèo nhiều năm liền, gia đình không có đất canh tác, chị Liên cùng chồng làm thuê, làm mướn đủ mọi việc từ cắt cỏ, bẻ dừa, bồi bùn,... để nuôi 2 người con ăn học với suy nghĩ đời mình đã không được học hành đến nơi đến chốn thì nhất định phải để các con được học mới mong thoát khỏi cảnh nghèo. Ước mơ của chị khi ấy là có được một số vốn để chăn nuôi phát triển kinh tế. Tham gia Đề án đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững, vào năm 2015, Hội Liên hiệp phụ nữ xã hỗ trợ gia đình chị 1 con bò nái. Cũng trong năm này, chị được giới thiệu nguồn vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội vay 8 triệu đồng để mua 4 con dê. Như được tiếp thêm động lực, vợ chồng chị càng hăng say chí thú làm ăn. Không có đất canh tác, chị thuê 2 công đất trồng cỏ để chăn nuôi bò dê. Dê và bò sinh sản thuận lợi, con đực chị bán thịt, con nái một phần chị bán con giống, một phần để lại gầy đàn. Trung bình từ 3 đến 4 tháng chị xuất chuồng dê một lần, mỗi lần từ 5 đến 6 con. Hiện tại, gia đình chị có đàn bò 3 con và đàn dê 28 con. Cuối năm 2017, địa phương vận động và hỗ trợ vốn vay cho một trong hai người con trai của chị tham gia hợp tác lao động tại Nhật Bản, người con trai còn lại cũng có công việc ổn định trong một khu công nghiệp. Năm 2018, tự thấy kinh tế gia đình đi vào ổn định, tự tự nguyện xin thoát nghèo. Hiện tại, bên cạnh phát triển chăn nuôi, vợ chồng chị vẫn tranh thủ thời gian đi làm thuê  để tăng thu nhập gia đình. Ngoài ra, chị cũng tận dụng phân từ chăn nuôi để bán lấy tiền mua thức ăn lại cho dê, bò.

Chị Nguyễn Thị Kim Liên chăm sóc đàn bò. Ảnh: CTV

Chị Nguyễn Thị Kim Liên chia sẻ: “Mình thấy hoàn cảnh mình nghèo khổ quá nên cố gắng bươn chải, cần cù để lo cho các con cho nó vượt quá khó khăn. Thấy mình có khả năng, có con và chồng cùng chăn nuôi có đồng ra đồng vô nên xin thoát nghèo để mấy cô bác có hoàn cảnh khó khăn vươn lên như mình.”

 Từ không có đất canh tác, chỉ với hai bàn tay và tinh thần lao động cần cù, hiện tại, thu nhập bình quân của hai vợ chồng chị đạt trên 90 triệu đồng/năm. Chị Liên cho biết thêm sắp tới chị dự định mua thêm 2 công đất để trồng dừa, kết hợp trồng trọt và chăn nuôi. Chị cũng định hướng cho các con tích lũy tiền lương kiếm được để phát triển kinh tế ổn định, lâu dài chứ không đua đòi, phung phí. Cuộc sống cơ cực, khó khăn, những người lao động bình thường như vợ chồng chị Liên mặc dù trình độ học vấn không cao nhưng đáng để chúng ta học hỏi về tinh thần lao động và ý chí vượt khó.Với anh chị, lao động để thoát nghèo bền vững không chỉ là trách nhiệm với gia đình, với con cái mà còn thể hiện lòng tự trọng và trách nhiệm đối với địa phương và xã hội.

Anh Trương Thanh Hùng, cán bộ giảm nghèo xã Châu Hòa cho biết: “Hộ chị Liên là hộ nghèo nhiều năm liền, năm 2016 chị xuống cận do địa phương thấy chị cũng có công lao động, con lớn lên có công ăn việc làm. Năm 2017 địa phương vận động con chị tham gia hợp tác lao động ở Nhật và có hỗ trợ vay vốn để tạo điều kiện cho con đi, nhằm góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống vươn lên thoát nghèo. Cuối năm 2018 gia đình chị Liên tự thấy có khả năng phấn đấu làm ăn vươn lên thoát nghèo nên xin ra thoát khỏi hộ nghèo của địa phương để tạo điều kiện cho địa phương giúp đỡ cho các hộ còn lại. Đây là hộ chí thú làm ăn và ý thức cao nên xã cũng rất tuyên dương hộ này.”

Bên cạnh những hỗ trợ từ Nhà nước và xã hội, ý chí vươn lên khắc phục khó khăn, cần cù lao động là một trong những yếu tố quan trọng để hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Những điển hình như gia đình chị Liên là tấm gương sáng về hình ảnh người phụ nữ nông thôn không chấp nhận cuộc sống nghèo khó, tự lực vươn lên bằng sức lao động chính đáng, góp phần cùng địa phương thực hiện tiêu chí số 13 trong xây dựng nông thôn mới về công tác giảm nghèo./.

Kim Phụng

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1

Liên kết Liên kết

QUẢNG CÁO - DOANH NGHIỆP QUẢNG CÁO - DOANH NGHIỆP

Thống kê Thống kê

  Đang truy cập : 6
  Hôm nay: 1843
  Tổng lượt truy cập: 375977