Truy cập nội dung luôn

 

Phụ nữ Bến Tre thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết ĐHĐBPN tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026 và nhiệm vụ năm 2024

CHI TIẾT TIN

Tiến tới mục tiêu bình đẳng giới: Hành trình bền bỉ của Hội Phụ nữ
28/11/2024

 

Hơn 17 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Bến Tre đã khẳng định vai trò nòng cốt trong việc thúc đẩy sự thay đổi tích cực trong xã hội. Từ việc nâng cao nhận thức cộng đồng, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế đến tham mưu chính sách và bảo vệ quyền lợi cho các nhóm yếu thế, Hội đã từng bước góp phần hiện thực hóa mục tiêu bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh.

Thay đổi bắt đầu từ nhận thức

Bình đẳng giới là hành trình dài cần sự kiên trì, sáng tạo và Hội LHPN Bến Tre hiểu rõ điều đó. Hơn 17.000 buổi tuyên truyền, gần 1 triệu lượt người tham gia – đó là những con số biết nói, minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc truyền tải thông điệp bình đẳng giới đến từng địa bàn dân cư.

Nhưng chỉ tuyên truyền thôi chưa đủ. Hội đã sáng tạo trong cách tiếp cận, kết hợp giữa các buổi thảo luận, tọa đàm với những chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội và lớp học trực tuyến. Nhờ đổi mới cách tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin, thông điệp về bình đẳng giới đã lan tỏa từ thành thị đến nông thôn, giúp phụ nữ, đặc biệt nhóm yếu thế, dễ dàng tiếp cận thông tin về quyền và nghĩa vụ.

Hội phụ nữ phường 6, thành phố Bến Tre ra quân tuyên truyền hưởng ứng tháng Bình đẳng giới

Nâng cao vai trò phụ nữ trong chính trị

Hội LHPN tỉnh Bến Tre đã khẳng định vai trò quan trọng trong việc tham mưu, phối hợp với các cấp, ngành nhằm thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo và quản lý. Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bến Tre, cho biết:“Công tác quy hoạch, bồi dưỡng và giới thiệu cán bộ nữ được tỉnh thực hiện một cách đồng bộ, đảm bảo tính kế thừa và phát triển. Hội các cấp đã chủ động đề xuất, giới thiệu nguồn cán bộ nữ vào quy hoạch và tham gia ứng cử Hội đồng nhân dân các cấp, đồng thời Hội tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng cho nữ ứng cử viên, giúp các chị em tự tin hơn khi trình bày chương trình hành động với cử tri”.

Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và sự quan tâm của các cấp, công tác tuyên truyền về vai trò phụ nữ trong chính trị được triển khai đồng bộ, góp phần nâng cao nhận thức xã hội. Tỷ lệ nữ tham gia hội đồng nhân dân các cấp tăng qua từng nhiệm kỳ, tỷ lệ nữ cấp ủy cấp xã đạt 30,5%, cấp huyện 18,71%, cấp tỉnh 20,4%. Kết quả này phản ánh sự nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị trong việc tạo điều kiện để phụ nữ khẳng định vai trò.

Tuy nhiên, tỷ lệ nữ lãnh đạo chủ chốt vẫn còn thấp, đòi hỏi Hội tiếp tục tham mưu chính sách, tạo cơ chế hỗ trợ dài hạn để phụ nữ có thêm cơ hội phát huy năng lực, đóng góp nhiều hơn vào lĩnh vực chính trị.

Trao quyền kinh tế: Đòn bẩy thay đổi cuộc sống

Hỗ trợ phụ nữ thoát nghèo và vươn lên làm chủ kinh tế luôn là ưu tiên hàng đầu của Hội. Với nguồn vốn vay hơn 2.163 tỷ đồng dành cho hơn 73.000 phụ nữ, Hội đã giúp nhiều gia đình thoát khỏi cảnh khó khăn và xây dựng cuộc sống ổn định. Đặc biệt, các mô hình tổ liên kết sản xuất và tổ nghề nghiệp không chỉ tạo cơ hội việc làm mà còn giúp phụ nữ tự tin khởi nghiệp và tham gia vào thị trường kinh doanh. Nhờ đó, tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp tại tỉnh đã đạt 30%, cao hơn mức trung bình cả nước.

Huyện Châu Thành là một trong những địa phương tiêu biểu thực hiện tốt công tác hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp. Bà Nguyễn Thanh Hiền, Chủ tịch Hội LHPN huyện, chia sẻ: “Trong những năm qua, Hội đã vận động, hướng dẫn nhiều phụ nữ xây dựng kế hoạch khởi nghiệp, kết nối với các chương trình hỗ trợ vốn và đào tạo kỹ năng. Nhờ vậy, nhiều chị em không chỉ thoát nghèo mà còn phát triển thành công các mô hình kinh doanh hiệu quả, góp phần thay đổi cuộc sống gia đình và đóng góp tích cực vào kinh tế địa phương”.

Tuy nhiên, Hội cũng nhận thức rằng, để đạt được những thay đổi bền vững, cần kết nối phụ nữ với các chuỗi giá trị lớn hơn và tạo điều kiện để họ tham gia sâu hơn vào các ngành kinh tế chiến lược.

Tạo lá chắn bảo vệ phụ nữ và trẻ em

Không dừng lại ở việc trao quyền, Hội LHPN tỉnh Bến Tre còn là người bảo vệ kiên định cho các nhóm yếu thế. Các câu lạc bộ “Phụ nữ với Pháp luật”, câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc”, câu lạc bộ “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”,… và hàng nghìn buổi trợ giúp pháp lý lưu động đã đưa pháp luật, kiến thức bình đẳng giới đến gần hơn với phụ nữ vùng sâu, vùng xa.

Bên cạnh đó, việc hòa giải thành công gần 12.000 vụ tranh chấp và bạo lực gia đình không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi của phụ nữ mà còn xây dựng một mạng lưới hỗ trợ chặt chẽ. Hội đã trở thành chỗ dựa tin cậy cho phụ nữ, trẻ em gái trong những lúc khó khăn nhất.

Phụ nữ tham gia bầu cử đại biểu Quốc Hội và hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026

Hướng tới tương lai bình đẳng

Dù đạt nhiều kết quả quan trọng, Hội vẫn đối mặt với những thách thức như ngân sách hạn chế, tỷ lệ nữ lãnh đạo chưa tương xứng với lực lượng lao động nữ và khó khăn trong việc hỗ trợ phụ nữ vùng sâu tiếp cận các nguồn lực.

Bà Nguyễn Thị Kim Thoa khẳng định: “Để tiếp tục hành trình này, Hội LHPN tỉnh sẽ đề xuất các chính sách hỗ trợ dài hạn và phối hợp đồng bộ với các ban ngành, hệ thống chính trị. Đồng thời, Hội LHPN tỉnh Bến Tre sẽ tiếp tục đổi mới phương pháp, mở rộng quy mô hoạt động và đặc biệt là tăng cường kết nối với các tổ chức quốc tế để nâng tầm hoạt động bình đẳng giới”.

Hành trình thúc đẩy bình đẳng giới tại Bến Tre là minh chứng rõ nét cho sự nỗ lực và quyết tâm của Hội Phụ nữ tỉnh. Những thay đổi không chỉ giúp nâng cao vị thế của phụ nữ mà còn góp phần xây dựng một xã hội công bằng và phát triển bền vững. Dù chặng đường phía trước còn dài, những bước tiến hôm nay chính là nền tảng vững chắc để tiếp tục hướng tới một tương lai bình đẳng thực chất.

Minh Ngọc

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1

Liên kết Liên kết

QUẢNG CÁO - DOANH NGHIỆP QUẢNG CÁO - DOANH NGHIỆP

Thống kê Thống kê

  Đang truy cập : 2
  Hôm nay: 11215
  Tổng lượt truy cập: 650410