Truy cập nội dung luôn

 

Phụ nữ Bến Tre thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết ĐHĐBPN tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026 và nhiệm vụ năm 2024

CHI TIẾT TIN

GIỒNG TRÔM - KHỞI NGHIỆP THÀNH CÔNG TỪ TỔ MAY GIA CÔNG
26/09/2019

 

Từ một hộ nghèo không có đất canh tác, nhờ mạnh dạn khởi nghiệp và chí thú làm ăn, chị Huỳnh Ngọc Diễm không chỉ vươn lên khá giả từ mô hình tổ hợp tác may gia công của mình mà còn góp phần tạo công ăn việc làm cho nhiều chị em phụ nữ khác tại địa phương và các vùng lân cận.

Chị Huỳnh Ngọc Diễm sinh năm 1980, ngụ ấp Bình Xuân, xã Châu Bình. Gia đình chị trước đây là hộ nghèo, chị đi may gia công cho một cơ sở ở ấp Bình Long. Sau hơn 1 năm học hỏi kinh nghiệm, vào năm 2007 chị quyết định vay vốn tự mở tổ may tại nhà. Được người quen giới thiệu, chị lấy nguồn hàng từ thành phố Hồ Chí Minh về gia công. Bên cạnh đó, chị tham gia lớp kỹ thuật may do Hội Phụ nữ xã tổ chức để nâng cao tay nghề. Ban đầu nhóm may của chị Diễm có 4 chị tham gia. Được Hội Phụ nữ xã giới thiệu các nguồn vốn vay, chị tiếp tục vay mua thêm máy móc và lấy hàng về gia công. Công việc cho thu nhập ổn định lại không phụ thuộc về thời gian nên ngày càng nhiều chị em phụ nữ tìm đến và tham gia nhóm may của chị Diễm. Chồng chị Diễm cũng cùng tham gia tổ hợp tác cùng vợ phát triển kinh tế gia đình.

Chị Huỳnh Ngọc Diễm chia sẻ: “Trước đây tôi là hộ nghèo, đi may gia công cho cơ sở khác, học hỏi kinh nghiệm từ đó về mở ra may. Lúc đầu thì để tạo công ăn việc làm, thu nhập cho gia đình mình thôi, mấy chị em thấy làm ăn được mới hỏi tham gia vô. Có chị thì biết may, có chị không biết may, chị nào không biết may thì tôi biết được bao nhiêu truyền nghề lại cho mấy chị. Từ đó mấy chị lãnh về làm. Đến giờ này mấy chị tham gia với tổ hợp tác được 25 chị em. Hướng tới tôi sẽ cố gắng mở rộng thêm, sẵn sàng nhận các chị có nhu cầu đến với tổ hợp tác của mình.”

Chị em trong ấp và các ấp lân cận rất phấn khởi khi tham gia tổ may của chị Diễm. Vì nguồn hàng ở đây ổn định, lại được vợ chồng chị Diễm hướng dẫn kỹ thuật tận tình, và vì gần nhà nên các chị có thể vừa đi làm vừa tranh thủ thời gian đưa rước con đi học. Được biết tùy theo số lượng sản phẩm làm ra, mỗi chị trung bình thu nhập từ 3 đến 4,5 triệu đồng một tháng. Bên cạnh các chị đến làm việc tại tổ, một số chị khác nhận hàng về nhà gia công thu nhập cũng khá ổn định. Chị Diễm cho biết từ 10 đến 15 ngày thì chị lấy hàng về 1 lần, mỗi lần từ 10 đến 15 nghìn cái, sản phẩm gia công chủ yếu là mặt hàng áo thun.

Chị Huỳnh Ngọc Diễm hướng dẫn kỹ thuật may cho tổ viên. Ảnh CTV

Đến năm 2016, có trên 20 chị em tham gia vào tổ, Hội Liên hiệp phụ nữ xã hướng dẫn thành lập tổ hợp tác may gia công. Hiện tại, tổ chị đầu tư được 9 máy may các loại. Thu nhập bình quân của gia đình chị hàng tháng trên 10 triệu đồng. Đến nay tổ hợp tác của chị Diễm có 25 chị tham gia. Các chị ở tại ấp Bình Xuân, các ấp lân cận và có chị đến từ huyện Ba Tri. Chị nào chưa biết may tham gia tổ hợp tác được chị Diễm hướng dẫn sau 1 tháng có thể thực hiện được các công đoạn dễ, từ 3 đến 4 tháng có thể ráp sản phẩm và thực hiện được tất cả các công đoạn. Tham gia tổ may của chị Diễm, đến nay đã có 4 chị từ hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Chị nào có nhu cầu mua máy về làm tại nhà thì có thể tiếp cận các nguồn vốn vay do Hội phụ nữ xã giới thiệu hoặc chị Diễm cho mượn vốn để mua. Chị Đào Thị Vị, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Châu Bình cho biết: “Từ mô hình may của chị Huỳnh Ngọc Diễm thì thấy hiệu quả rất cao. Thu nhập của chị em tham gia từ 3 đến 4,5 triệu, hàng tháng góp phần tăng thu nhập gia đình. Phương hướng tới thì Hội cũng tiếp tục nhân rộng mô hình giới thiệu cho chị em vay vốn qua Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế của tỉnh để chị em trang bị máy móc để may. Mình cũng giúp chị em hộ nghèo, cận nghèo và chị em nhàn rỗi là giới thiệu vô tổ may để chị em có thu nhập. Hướng tới thì mở thêm lớp may để chị em tiếp cận kỹ thuật may.”

Quy mô tổ may gia công của chị Diễm tuy chưa lớn nhưng đã tạo được nguồn kinh tế vững chắc cho hai vợ chồng trẻ, đồng thời tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động là phụ nữ trên địa bàn. Chị Đào Thị Vị cho biết chị Diễm là một trong những gương điển hình phụ nữ khởi nghiệp của xã Châu Bình. Hưởng ứng chương trình “Đồng Khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp”, cùng với sự hỗ trợ kịp thời và hiệu quả của đoàn thể địa phương, tin rằng thời gian tới, tổ may gia công của chị Diễm sẽ ngày càng mở rộng và tạo thêm việc làm cùng nguồn thu nhập ổn định cho nhiều chị em phụ nữ trên địa bàn./.

Kim Phụng

 

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1

Liên kết Liên kết

QUẢNG CÁO - DOANH NGHIỆP QUẢNG CÁO - DOANH NGHIỆP

Thống kê Thống kê

  Đang truy cập : 2
  Hôm nay: 196
  Tổng lượt truy cập: 392963