Truy cập nội dung luôn

 

Phụ nữ Bến Tre thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết ĐHĐBPN tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026 và nhiệm vụ năm 2024

CHI TIẾT TIN

Nghề đan dây nhựa xã Hòa Lợi góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn
23/09/2020

Nhờ có nghề đan dây nhựa trên khung sắt, mấy năm nay, nhiều lao động ở xã Hòa Lợi có thêm công ăn, việc làm, thu nhập ổn định. Cô Hồ Thị Ửng, 57 tuổi, ngụ ấp Quí Thuận B, xã Hòa Lợi người có công mang nghề này về xã. Cô Ửng cho biết, hơn 10 năm trước, gia đình cô là hộ nghèo của xã, đời sống gặp nhiều khó khăn. Khi đó cô học nghề dệt chiếu và bắt đầu làm một thời gian nhưng thấy không hiệu quả. Đến năm 2010, qua một người quen ở xã Quới Điền giới thiệu, cô chuyển sang nghề đan ghế nhựa và bám nghề cho đến nay.

Năm 2016, Dự án AMD Bến Tre hỗ trợ 97 triệu đồng để mở nhà xưởng cho tổ đan dây nhựa trên khung sắt của cô Hồ Thị Ửng. Cùng với vốn hỗ trợ, cô Ửng đối ứng thêm 100 triệu đồng để tráng nền, lót gạch nhà xưởng, mua sắm một số máy móc làm nghề. Ban đầu tổ đan dây nhựa của cô Ửng chỉ có chừng 10 người, đến hiện tại số lượng thành viên tham gia vào tổ lên đến 80 người, đa phần là phụ nữ trong ấp và các ấp lân cận.

Tổ đan dây nhựa trên khung sắt của cô Hồ Thị Ửng . (Ảnh: Minh Mừng)

Theo cô Ửng, nghề đan dây nhựa khá đơn giản và tiện ích. Sau vài ngày học nghề, chị em có thể nhận hàng gồm dây nhựa và khung ghế về nhà đan gia công trong thời gian nhàn rỗi. Nghề này vừa làm trong mát, không nặng nhọc, vừa quản lý được nhà cửa, chăm sóc con cái, đặc biệt là tranh thủ việc phát triển các mô hình kinh tế hiện có của các gia đình. Giá đan ghế từ 25.000 - 80.000 đồng/chiếc tùy loại. Người đan giỏi có thể đan được vài chiếc trong ngày, thu về hơn 100 ngàn đồng. Thường thì thu nhập bình quân của chị em từ 2,5 triệu đến 3 triệu đồng mỗi tháng. Tùy theo hoàn cảnh gia đình, người ta có thể xem đây là nghề chính hay phụ. Nhiều hộ, cả gia đình cùng làm, bởi nam hay nữ đều có thể dễ dàng thực hiện việc đan dây nhựa.

Hằng ngày, hai vợ chồng chị Trần Thị Kim Dung, 43 tuổi, ngụ ấp Quí Thuận B đều tranh thủ thời gian rảnh rỗi nhận hàng của cô Ửng để gia công. Chị Dung tâm sự: “Ở nhà tôi có chăn nuôi này nọ. Theo đó, thời gian rảnh rỗi thì hai vợ chồng đến nhà chị Ửng lấy hàng về gia công. Mỗi ngày, hai vợ chồng làm được trăm mấy đến hai trăm ngàn. Nhờ nguồn thu nhập từ nghề đan dây nhựa cũng góp phần nào trang trải chi phí sinh hoạt cho gia đình”.

Hơn 4 năm nay, cứ mỗi năm, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện và chính quyền địa phương đều phối hợp với cô Hồ Thị Ửng để mở lớp dạy nghề ​đan dây nhựa trên khung sắt cho lao động nông thôn, đối tượng chủ yếu là lao động nhàn rỗi và hộ nghèo, cận nghèo.

Có thể khẳng định, từ khi cơ sở đan dây nhựa đi vào hoạt động đến nay, cuộc sống gia đình cô Ửng ổn định hơn trước rất nhiều. Năm 2017, cô Ửng thoát nghèo, cuộc sống ngày thêm tươm tất. Nghề đan dây nhựa kết hợp buôn bán nhỏ của cô mỗi tháng thu về lợi nhuận hơn 5 triệu đồng, khoản tiền không nhỏ đối với phụ nữ nông thôn. Cô Hồ Thị Ửng nói: “Lúc trước gia đình nghèo, khó khăn. Nhờ học nghề từ Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện, sau đó Dự án AMD cũng hỗ trợ số vốn mở nhà xưởng, đến nay thu nhập của gia đình đã ổn định”

Được biết, qua rà soát hộ nghèo, cận nghèo cuối năm 2019, toàn xã Hòa Lợi có 222 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 9,75%, 08 hộ cận nghèo, chiếm 0,35%. Giai đoạn 2016-2020 có 242 hộ tham gia Đề án sinh kế thoát nghèo bền vững. Đến nay đã có 189 hộ vươn lên thoát nghèo, cận nghèo. Để thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, thời gian qua, xã Hòa Lợi nhân rộng nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả như nuôi bò vỗ béo, sinh sản; nuôi dê sinh sản; nuôi gà thả vườn; tổ dịch vụ chăm sóc cây dừa; đan dây nhựa trên khung sắt; may túi xách tự hoại...

Minh Mừng

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1 Slideshow Image 1

Liên kết Liên kết

QUẢNG CÁO - DOANH NGHIỆP QUẢNG CÁO - DOANH NGHIỆP

Thống kê Thống kê

  Đang truy cập : 4
  Hôm nay: 237
  Tổng lượt truy cập: 393004